|
|
Thống kê truy cập Truy cập tổng 46.616 Truy cập hiện tại 42
|
|
|
Trang trọng, ý nghĩa Lễ kỷ niệm 232 năm Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế Ngày cập nhật 08/01/2021
Sáng nay 7/1/2021 (nhằm ngày 25/11 năm Canh Tý), tại Tượng đài vua Quang Trung thuộc Di tích núi Bân (phường An Tây, thành phố Huế), UBND thành phố Huế trang trọng tổ chức Lễ dâng hương, kỷ niệm 232 năm Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế (25/11 năm Mậu Thân 1788) và xuất binh đại phá quân Thanh. Đến dự Lễ, về phía lãnh đạo tỉnh có các đồng chí: Lê Trường Lưu – UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Quốc Đoàn – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh. Về phía lãnh đạo thành phố Huế có các đồng chí: Hoàng Hải Minh – Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Huế; Trần Hùng Nam – Phó Bí thư thường trực Thành ủy; cùng Thủ trưởng các cơ quan, ban ngành, đơn vị, địa phương của tỉnh, thành phố Huế và đông đảo người dân, du khách đã đến tham dự.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế Trương Đình Hạnh nhấn mạnh: Lễ dâng hương kỷ niệm 232 năm Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự biết ơn, lòng tôn kính và tri ân của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh, thành phố Huế đối với công lao hiển hách của người anh hùng dân tộc “áo vải cờ đào” Nguyễn Huệ - Quang Trung; khơi dậy niềm tự hào, giáo dục, phát huy truyền thống yêu nước vẻ vang của dân tộc đối với các thế hệ hôm nay và mai sau, tiếp bước các thế hệ ông cha trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển Tổ Quốc.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế Trương Đình Hạnh phát biểu tại buổi lễ
Tại Lễ dâng hương đã diễn ra các hoạt cảnh tái hiện lại sự kiện cách đây 232 năm - ngày 25/11 năm Mậu Thân 1788, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã chọn núi Bân (tức Bân Sơn) - là nơi xây đàn tế cáo trời đất và làm lễ đăng quang lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu Quang Trung. Ngay sau đó, vua Quang Trung phát động cuộc hành quân thần tốc ra Bắc, đại phá quân Thanh và giải phóng Kinh thành Thăng Long. Thiên tài quân sự của vua Quang Trung được lịch sử ghi nhận và ngợi ca.
Suốt hơn 10 năm sau khi đại phá quân Thanh (từ năm 1789 đến năm 1801), Phú Xuân là Kinh đô của nước Đại Việt thời Tây Sơn và là trung tâm chính trị, nơi hội tụ nhân tài, vật lực và tinh hoa của cả đất nước. Phú Xuân - Thuận Hóa xưa (Thừa Thiên - Huế ngày nay) là vùng đất gắn liền với triều đại Tây Sơn, âm vang những dấu ấn lịch sử hào hùng về một vương triều đã có công phục hưng tư thế hiên ngang của quốc gia Đại Việt, niềm kiêu hãnh “Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.
Buổi lễ kỷ niệm đã tái hiện câu chuyện lịch sử về hình tượng Anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ và chiến công hiển hách, dũng mãnh, ý chí sắt đá của đại quân bách chiến, bách thắng cùng người chủ tướng, Hoàng đế Quang Trung, hành quân thần tốc ra bắc, đánh tan quân Thanh.
Chiến công của nghĩa quân Tây Sơn được tái hiện qua các tiết mục biểu diễn võ thuật truyền thống, múa lân, múa rồng, hợp binh, lễ đăng quang, luyện binh và xuất quân, do các nghệ sĩ, diễn viên đến từ các nhà hát nghệ thuật, các câu lạc bộ lân, võ thuật trên địa bàn Thành phố biểu diễn với 04 hoạt cảnh, gồm: Trống hội – chiêu quân; Lễ tế trời đất – Lễ đăng quang; Luyện binh – xuất quân; Khúc khải hoàn.
Những năm qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế, thành phố Huế luôn đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa quý báu của phong trào Tây Sơn và của vị minh quân lỗi lạc Quang Trung - Nguyễn Huệ. Đồng thời, hướng đến xây dựng, giới thiệu Trung tâm Di tích núi Bân (được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1988) trở thành địa chỉ giáo dục, du lịch, văn hóa hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam nói chung và Cố đô Huế nói riêng…
Sau đây là một số hình ảnh tại Lễ kỷ niệm 232 năm Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế của thành phố Huế được ghi lại:
Cổng TTĐT thành phố Huế Các tin khác
|
|
|