Hiện nay UBND thành phố Huế đang khẩn trương chuẩn bị để tổ chức Festival nghề truyền thống Huế 2023 với nhiều chương trình nghệ thuật, lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của cố đô Huế xưa và nay.
Quy tụ nhiều chương trình đặc sắc, độc đáo và hấp dẫn
Theo kế hoạch, Festival nghề truyền thống Huế sẽ diễn ra từ ngày 28/4/2023 đến hết ngày 5/5/2023, trong đó lễ khai mạc tổ chức vào tối 28/4 và bế mạc vào tối 5/5/2023. Không gian chính trải dài xuyên suốt hai bên bờ sông Hương và nhiều khu vực khác trên địa bàn thành phố Huế.
Ông Võ Lê Nhật - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Huế cho biết, định hướng của Thành phố tại kỳ Festival lần này là tiếp tục tổ chức một lễ hội có chất lượng, hiệu quả, là thương hiệu lễ hội riêng của thành phố Huế - độc đáo và hấp dẫn góp phần thực hiện thành công Ðề án Festival bốn mùa của tỉnh Thừa Thiên Huế. Qua đó, quảng bá hình ảnh du lịch Huế, thương hiệu Festival nghề truyền thống Huế gắn với loại hình du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng trải nghiệm về các làng nghề truyền thống trên địa bàn.
Năm 2023 là năm kỷ niệm 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, 20 năm Nhã nhạc Cung đình Huế được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại. Vì vậy, Festival nghề truyền thống Huế 2023 sẽ là điểm nhấn quan trọng trong chuỗi các hoạt động của Festival Huế 2023 do UBND tỉnh tổ chức.
Ngoài các chương trình chính thường có trong các kỳ tổ chức trước đây, Festival nghề truyền thống Huế năm nay còn có các chương trình, sự kiện chính lần đầu tiên được tổ chức, như: Lễ hội ẩm thực chủ đề "Tinh hoa nghề Bún", Lễ hội Quảng diễn đường phố, Lễ hội Tri ân dòng Hương - thuyền hoa đăng trên sông (sông Hương Ngày hội), xác lập một kỷ lục mới liên quan đến nghề truyền thống được thực hiện tại Festival Festival nghề truyền thống Huế Huế 2023; đặc biệt, kỳ Festival này nhấn mạnh đến tính quốc tế với Chương trình giao lưu Văn hóa - Nghệ thuật giữa các Thành phố trên thế giới, trong nước kết nghĩa, hợp tác với Huế...
Thể hiện “chất liệu Huế”
Festival nghề truyền thống Huế 2023 được thành phố Huế kỳ vọng sẽ tạo được “tiếng vang” với nhiều mục đích, ý nghĩa hướng đến, trong đó tập trung phát triển ngành công nghiệp sáng tạo. Chủ tịch UBND thành phố Huế nhấn mạnh, Festival nghề truyền thống Huế 2023 cần phải lan tỏa được sự thích thú, tự hào của người dân Huế về các kỳ Festival nghề truyền thống Huế đặc trưng. Dù cách biểu diễn, trình diễn có khác so với các kỳ Festival nghề trước như thế nào nhưng tinh thần chung là mạnh dạn thể hiện “chất liệu Huế”, nghề truyền thống Huế, con người Huế, quảng bá mảnh đất và hình ảnh Huế đến bạn bè, du khách gần xa, góp phần kích cầu du lịch, kinh tế - xã hội và tất cả các lĩnh vực khác trên địa bàn…
Cùng với chuỗi các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lễ hội dân gian, lễ hội cung đình và các hoạt động hưởng ứng, hoạt động cộng đồng trong khuôn khổ Festival Huế 2023, Festival nghề truyền thống Huế sẽ quy tụ các chương trình, hoạt động truyền thống như: Không gian trưng bày, thao diễn và giới thiệu các sản phẩm nghề và làng nghề truyền thống Huế của một số địa phương tiêu biểu trong cả nước và các thành phố quốc tế; Lễ tế Tổ bách nghệ và Lễ rước tôn vinh nghề - nghi lễ tri ân và tôn vinh các giá trị nghề thủ công truyền thống Việt Nam, tôn vinh và ghi nhớ công lao của tiền nhân, vinh danh các làng nghề, các thế hệ nghệ nhân và một số chương trình hấp dẫn khác, góp phần tạo nên một kỳ festival mới lạ và đặc sắc.
Việc tổ chức Festival nghề truyền thống 2023 nhằm lan tỏa niềm tự hào Huế và đánh thức được sự thích thú, ủng hộ với các sản phẩm nghề truyền thống của Huế cũng như các địa phương khác. Từ đó, kích cầu sử dụng, mua sắm của cộng đồng về các sản phẩm truyền thống này, kích cầu du lịch để Festival mang giá trị kinh tế cao hơn, phát triển nghề truyền thống, quảng bá văn hóa, tạo điều kiện để người dân Huế kinh doanh và có thu nhập tốt hơn.
Nhờ tham gia Festival nghề truyền thống Huế đã tạo tiền đề cho Dệt Zèng A Lưới trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2017
Tôn vinh bàn tay người thợ, “hồi sinh” các ngành nghề truyền thống
Có thể khẳng định rằng, các kỳ Festival NTTH đã đưa nghề thủ công truyền thống Việt Nam ngày càng đến gần hơn với cuộc sống thường nhật. Festival NTT Huế đã mang lại những tác động tích cực đến sự hồi sinh và phát triển của các LNTT trên địa bàn. Để bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề và LNTT, thời gian qua TP. Huế đã và đang ưu tiên phát triển nghề và làng nghề gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế kết hợp dịch vụ văn hóa, du lịch. Trong đó, phát huy giá trị văn hóa, nâng cao giá trị sản phẩm gắn liền với phát triển dịch vụ du lịch, tập trung phát triển các sản phẩm OCOP, tiểu thủ công nghiệp gắn việc phát triển các ngành nghề nông thôn và làng nghề, đồng thời hỗ trợ đào tạo nghề cho các nghệ nhân nhằm tạo thêm các mẫu thiết kế sản phẩm đa dạng, mang tính nghệ thuật và thẩm mỹ cao, kết hợp sản xuất các sản phẩm quà tặng, lưu niệm phục vụ nhu cầu của du khách.
Hàng năm, thành phố tổ chức các cuộc thi thiết kế bao bì và mẫu mã hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) và đã thu hút sự tham gia của các nghệ nhân, nhà thiết kế, họa sĩ... trong việc sáng tác, thiết kế các mẫu mã hàng lưu niệm và TCMN Huế; xây dựng nhãn hiệu tập thể một số nghề và LNTT và nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm. Mặt khác, thành phố đã tổ chức các đoàn tham gia xúc tiến thương mại tại các tỉnh, thành trong cả nước và quốc tế; xây dựng hồ sơ đề nghị Tỉnh công nhận một số NTT, LNTT Huế như: Làng nghề đúc đồng, mè xửng, nghề hương trầm Thủy Xuân, nghề bánh tét - bánh chưng Phú Dương…
Sau mỗi kỳ Festival, các nghề và LNTT được “hồi sinh”, phát triển, như: Nghề pháp lam, chế tác nhà rường, may áo dài truyền thống, thêu tranh, hoa giấy, trúc chỉ... Đồng thời, hình thành các điểm giới thiệu quảng bá NTT mới, nhiều điểm đến du lịch được Nhà nước và tư nhân đầu tư xây dựng như: Trung tâm Làng nghề đúc đồng Phường Đúc, đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, Tịnh Tâm Kim Cổ của DNTN Thuận Thành Duy Mong… và Trung tâm giới thiệu hàng TCMN Huế đang được thành phố đầu tư chỉnh trang, sớm đưa vào hoạt động. Không gian biểu diễn và không gian trưng bày sản phẩm nghề cũng từng bước được định hình, tạo nên một không gian tổ chức lễ hội mang tính ổn định, lâu dài; quy mô lễ hội thay đổi qua từng kỳ festival, từ quy mô giới thiệu một vài nghề đến nhiều nghề, phát triển từ quy mô cấp thành phố đến toàn quốc và từng bước mang tính quốc tế...
Trailer Festival nghề truyền thống Huế 2023: https://drive.google.com/file/d/10aJdaqSOZA7s-jzDPnyuxUZx2xuArgBf/view