Kịp thời, bảo đảm đúng đối tượng
Thừa Thiên - Huế đang gấp rút triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đảm bảo nhanh gọn, đúng đối tượng. Nghị quyết số 68/NQ-CP đã quy định rất cụ thể từng chính sách của từng đối tượng. Vì vậy, việc triển khai thực hiện chi trả sẽ thuận lợi. Mặt khác, từ kinh nghiệm chi trả hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP vào đợt dịch năm 2020 nên các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương lần này không còn bỡ ngỡ, lúng túng.
Riêng chính sách hỗ trợ nhóm đối tượng lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác được giao về cho từng địa phương xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng và mức tiền hỗ trợ nên việc triển khai thực hiện vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định.
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh, về nhóm 1 hỗ trợ, nhóm do cơ quan Bảo hiểm xã hội và Ngân hàng chính sách xã hội giải quyết hoặc chi trả, hiện nay toàn tỉnh đã thực hiện xong việc giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh từ 1/7/2021 đến 30/6/2022 (thuộc nhóm 1) cho 1.633 đơn vị, doanh nghiệp với 113.076 người lao động được giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, với tổng số tiền 36.273 triệu đồng. Đối với nhóm 2 (Nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ địa phương 60% mức thực chi, 40% còn lại do các địa phương) và nhóm 3 (100 % ngân sách địa phương), qua thống kê rà soát, dự kiến nhu cầu kinh phí để thực hiện chính sách cho nhóm 2 là 22,41 tỷ đồng và cho nhóm 3 là 45,02 tỷ đồng, tổng kinh phí địa phương dự kiến phải đảm bảo để chi chính sách là 53,984 tỷ đồng...
Hiện, Sở LĐTB&XH đã hoàn thành việc xây dựng, hoàn thiện các góp ý của các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, TP. Huế về dự thảo Đề án, Tờ trình của UBND tỉnh và dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh “Quy định một số chính sách hỗ trợ một số đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh cho lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác” báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định. Ngay sau khi HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết này, ngành và các đơn vị liên quan sẽ “bắt tay” ngay vào việc tiến hành kê khai, chi trả.
Để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID- 19 theo Nghị quyết số 42 của Chính Phủ, tính đến hết tháng 5/2021, TP. Huế đã phê duyệt và hỗ trợ cho 41.081 đối tượng với tổng số tiền trên 45,8 tỷ đồng. Trong đó, có 23.521 đối tượng thuộc diện người có công, hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội với tổng số tiền trên 28,2 tỷ đồng; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm trên 17,3 tỷ đồng; đối tượng xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng trên 17,4 tỷ đồng, người lao động nghỉ việc không hưởng lương 108 triệu đồng…
Ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trường mầm non tư thục nơi chị Lê Thị Thùy Trang (thành phố Huế) làm việc buộc phải tạm dừng hoạt động nhiều lần rồi đóng cửa. Sau khi được hướng dẫn, chị Trang làm đơn đề nghị và sớm được thông báo nhận tiền hỗ trợ. "Trong thời điểm khó khăn này, khoản tiền hỗ trợ từ Chính phủ và sự quan tâm của các cấp chính quyền có ý nghĩa rất lớn cả về vật chất lẫn tinh thần đối với gia đình tôi" - chị Trang bộc bạch.
Thủ tục nhanh chóng và thuận tiện
Anh Nguyễn Duy Kính (thành phố Huế) là một hướng dẫn viên du lịch làm việc nhiều năm tại Huế, tham gia nhiều tour du lịch đón khách quốc tế đến tham quan Cố đô Huế. Hơn 1,5 năm nay, anh Kính phải nghỉ việc, tạm dừng tất cả các hợp đồng du lịch do dịch bệnh diễn biến phức tạp. Không chỉ riêng anh Kính, nhiều đồng nghiệp phải xoay sở nhiều công việc khác để kiếm sống. Riêng anh lựa chọn công việc giáo viên tiếng Anh giao tiếp.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương, đoàn thể ở TP Huế thường xuyên có nhiều hoạt động hỗ trợ, động viên kịp thời các đối tượng gặp khó do dịch Covid-19
Sau khi nắm bắt được thông tin, anh Kính nhanh chóng có mặt tại Sở Du lịch tỉnh để hoàn tất các thủ tục đăng ký nhận hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP. Anh Kính cho hay, các thủ tục đăng ký rất đơn giản, nhanh chóng và thuận tiện. Nguồn hỗ trợ sẽ giúp anh giảm bớt gắng nặng chi phí sinh hoạt hằng ngày đồng thời là động lực để anh vượt qua quảng thời gian khó khăn đợi đến khi ngành du lịch trở lại bình thường. Nhiều hướng dẫn viên du lịch rất vui mừng vì chỉ cần khai báo các thông tin đơn giản đã có thể hoàn tất việc đăng ký nhận hỗ trợ. Số tiền hỗ trợ sẽ được tự động gửi đến số tài khoản cá nhân mà không tốn thời gian đi lại quá nhiều.
Đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ
Từ nay đến cuối năm 2021, TP. Huế đẩy mạnh triển khai, thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2021 sau khi các xã, phường của 3 huyện, thị xã sáp nhập vào TP. Huế theo Nghị quyết 1264 ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội. Trong đó, đưa chỉ tiêu giải quyết việc làm mới lên 9.000 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 3 tháng trở lên đạt 75%,
Các hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm được TP Huế tổ chức đã tạo cơ hội việc làm cho nhiều người
Theo lãnh đạo UBND TP. Huế, sắp tới, thành phố tiếp tục phối hợp với các đơn vị đào tạo nghề trên địa bàn tăng cường công tác tư vấn, tuyển sinh lao động tham gia học các ngành nghề có nhu cầu trên thị trường, thực hiện các chính sách ưu đãi về đào tạo nghề cho lao động thuộc đối tượng chính sách, bộ đội xuất ngũ, lao động nông thôn, lao động tái định cư, lao động bị thu hồi đất nông nghiệp. Ngoài ra, tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn cho người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, nhất là các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc; thông qua các kênh vay vốn, chương trình dạy nghề, giới thiệu việc làm, tuyển dụng lao động tại các sàn giao dịch việc làm… để góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, đời sống Nhân dân.
Để gói hỗ trợ sớm đến được các đối tượng khó khăn do dịch, Sở LĐTB&XH cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn. Phạm vi, lĩnh vực quản lý, đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời, hiệu quả, đúng quy định, không để xảy ra việc lợi dụng, trục lợi chính sách, tham nhũng, tiêu cực...